1.Thay khớp háng nhân tạo là gì?
- Phẫu thuật thay khớp háng (Hip Replacement Surgery) là quy trình cắt bỏ khớp háng bị tổn thương do quá trình bệnh lý hoặc chấn thương và thay thế bằng khớp nhân tạo.Thông thường, phẫu thuật này được chỉ định khi có tổn thương ở khớp háng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt, học tập và lao động hàng ngày của bệnh nhân.
- Thay khớp háng nhân tạo là một trong những phẫu thuật thành công nhất trong y khoa. Từ những năm đầu thập niên 60 đến nay, với sự tiến bộ của công nghệ, và sự cải tiến kỹ thuật mổ, đã gia tăng đáng kể hiệu quả thay khớp háng nhân tạo. Hàng năm ở Mỹ có hơn 450.000 ca được thay khớp háng toàn phần.
- Tại Việt Nam, kỹ thuật này đã được ứng dụng từ thập niên 70, thực sự phát triển và phổ biến trong 10 năm gần đây. Đến nay cả nước có hàng ngàn trường hợp được thay khớp háng thành công mỗi năm. Phẫu thuật này đã mở ra cơ hội thoát khỏi cơn đau xương khớp dai dẳng, và giúp phục hồi khả năng vận động cho người bệnh. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật khó đòi hỏi bệnh viện phải có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giỏi, cùng với thiết bị hỗ trợ chuyên nghiệp mới có thể thực hiện thành công phẫu thuật này.
2. Bệnh nào có thể gây đau và tổn hại khớp háng?
- Tất cả các bệnh lý khớp háng như: Thoái hóa khớp háng, viêm khớp háng, viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp, viêm cột sống dính khớp, hoại tử vô mạch chỏm xương đùi, viêm khớp sau chấn thương…đều có thể gây đau và tổn hại khớp háng theo thời gian, làm người bệnh không thể đi lại được, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Khi toàn bộ khớp bị hư, cần thay toàn bộ khớp háng gồm chỏm xương đùi và ổ cối. Khớp nhân tạo sẽ giúp bệnh nhân hết đau, đi lại được.
- Các trường hợp chấn thương do tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động, tai nạn giao thông làm gãy cổ xương đùi cũng có thể gây hoại tử chỏm xương đùi, hư hại khớp háng, và có chỉ định thay khớp háng nhân tạo.
3. Khi nào nên thay khớp háng (when surgery is recommended)
- Đau khớp háng làm giới hạn các hoạt động hàng ngày như: Đi lại, cúi khom.
- Đau khớp háng lúc nghỉ ngơi ngày hay đêm.
- Cứng khớp háng làm giới hạn khả năng di chuyển và nâng chân.
- Các biện pháp giảm đau: Dùng thuốc, tập vật lý trị liệu, dụng cụ hổ trợ đi lại đều không hiệu quả.
4. Tuổi nào có thể thay khớp háng?
- Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo được khuyến cáo (chỉ định) dựa trên mức độ đau và độ tàn phế của người bệnh, chứ không dựa vào tuổi.
- Không có giới hạn tuyệt đối nào về tuổi cũng như cân nặng đối với bệnh nhân thay khớp háng.
- Hầu hết bệnh nhân thay khớp háng thường ở tuổi từ 50-80 tuổi.
- Thay khớp háng toàn phần đã được thực hiện thành công ở mọi lứa tuổi từ tuổi thiếu niên do viêm khớp thiếu niên (Juvenile Arthritis) đến người lớn tuổi do viêm khớp thoái hóa (Degenerative Arthritis).
5. Khớp háng nhân tạo làm bằng chất liệu gì?
- Chuôi khớp (stem): Hợp kim Titan, phủ TPS (Titan Plasma Spray), hay Cobalt-Chrome.
- Chỏm xương đùi: Cobalt-Chrome; Ceramic.
- Ổ cối: Hợp kim Titan, phủ TPS.
- Lót ổ cối: Vật liệu cao phân tử Ultra high polyetylen.
- Vít ổ cối: Hợp kim Titan.
- Đầu Bipolar: Bên ngoài: Thép không gỉ hàm lượng nitơ cao; Bên trong: Vật liệu cao phân tử Ultra high Polyetylen.
6. Tuổi thọ của khớp nhân tạo là bao lâu? trung bình 10-20 năm tùy:
- Vật liệu.
- Mẫu thiết kế.
- Kỷ năng PTV
- Sự tuân thủ trong sinh hoạt của bệnh nhân.
7. Có mấy loại phẫu thuật thay khớp háng?
- Thay khớp háng bán phần: Chỉ thay phần chỏm xương đùi. Thay khớp háng bán phần có cement hay không cement hiện vẫn còn bàn cãi, tuy nhiên, đa số tác giả đều đồng ý rằng: Chất lượng xương tốt không dùng cement; Loãng xương dùng cement.
- Thay khớp háng toàn phần: thay chỏm xương đùi và ổ cối.
8. Chỉ định thay khớp háng bán phần không cement:
- Gãy cổ xương đùi/Bệnh nhân lớn tuổi.
- Khớp giả cổ xương đùi/ Bệnh nhân lớn tuổi.
9. Chỉ định thay khớp háng toàn phần không cement:
- Thoái hóa khớp háng.
- Hoại tử chỏm xương đùi.
- Hư khớp nhân tạo.
- Bướu đầu trên xương đùi.
10. Ở đâu có thể thực hiện phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo?
- Đây là phẫu thuật lớn đòi hỏi nhiều trang thiết bị hiện đại, chuyên nghiệp và phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm, nên chỉ những bệnh viện lớn mới có thể làm được.
- Bệnh viện Đa khoa Phương Chi là nơi hội đủ các điều kiện cần thiết để có thể thực hiện phẫu thuật này một cách an toàn và hiệu quả. Với cơ sở hạ tầng khang trang sạch đẹp, phòng bệnh riêng biệt như khách sạn, sẽ là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho người bệnh sau phẫu thuật. Với đội ngũ Bác sĩ nhiệt tình tâm huyết, trình độ tay nghề cao sẽ đem lại sự an toàn hiệu quả cho người bệnh. Với hệ thống điều dưỡng đa năng, nhân hậu sẽ mang lại sự chăm sóc ân cần, chu đáo, toàn diện cho người bệnh. Đến với Phương Chi chắc chắn người bệnh sẽ hài lòng về mọi mặt từ chất lượng điều trị đến dịch vụ chăm sóc.
11. Thay khớp háng có thể có những biến chứng gì?
- Nhiễm trùng: Có thể xảy ra nông ở vết mổ, hoặc sâu quanh khớp nhân tạo. Có thể xảy ra trong vài ngày hay vài tuần sau mổ, cũng có thể vài năm sau mổ. Đa số nhiễm trùng được điều trị khỏi bằng kháng sinh, trường hợp nhiễm trùng lớn, sâu (hiếm) cần can thiệp phẫu thuật hoặc phải lấy bỏ khớp nhân tạo, thay khớp khác.
- Cục máu đông: Ở tĩnh mạch chi dưới và khung chậu là những biến chứng phổ biến nhất sau phẫu thuật thay khớp háng. Có thể đe dọa tính mạng nếu cục máu đông trôi đến phổi gây thuyên tắc phổi, đến tim gây nhồi máu cơ tim, hay hiếm hơn là đến não gây nhồi máu não. Để giảm nguy cơ đông máu bác sĩ sẽ dùng thuốc kháng đông trong những tuần đầu, mang vớ áp lực sau mổ. Khuyến khích người bệnh vận động chân và ngồi dậy càng sớm càng tốt.
- Trật khớp nhân tạo: Ít gặp. Nguy cơ xảy ra cao nhất trong vài tháng đầu tiên sau mổ. Thông thường được nắn kín không cần mổ lại. Trường hợp khớp tiếp tục trật có thể phải mổ lại để cố định.
- Gãy xương: Trong quá trình phẫu thuật, những phần khỏe mạnh của khớp háng có thể bị gãy. Thường những gãy xương nhỏ có thể tự lành, trường hợp gãy lớn phải cố định bằng chỉ thép, vít, nẹp vít, hay ghép xương.
- Lỏng khớp: Hiếm với các thế hệ khớp mới, thường xảy ra muộn sau nhiều năm. Lỏng khớp là do khớp nhân tạo mất kết nối với xương do chấn thương, nhiễm trùng, hay giảm mật độ xương theo thời gian. Lỏng khớp sẽ gây đau khớp háng. Có thể cần phẫu thuật để giải quyết vấn đề.
- Lệch chiều dài 2 chân: Phẫu thuật viên cẩn thận từng bước để tránh vấn đề này nhưng đôi khi vẫn gặp ngắn hay dài chi so với bên lành. Có thể do co rút cơ quanh khớp háng, trường hợp này cần tập cho cơ mạnh và duỗi ra sẽ khắc phục được tình trạng ngắn chi.
- Các biến chứng khác: Tổn thương mạch máu, thần kinh, chảy máu, cứng khớp có thể xảy ra. Một số nhỏ bệnh nhân vẫn còn đau sau mổ.
12.Cần chuẩn bị gì cho phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo?
- Đánh giá sức khỏe tổng quát: Người bệnh sẽ được bác sĩ khám đánh giá tình trạng sức khỏe toàn diện, đảm bảo bạn có đủ sức khỏe để phẫu thuật và tập phục hồi sau mổ. Trường hợp người bệnh có bệnh mãn tính như bệnh tim, tiểu đường…, cần phải được các bác sĩ chuyên khoa khám trước khi phẫu thuật.
- Người bệnh được làm các xét nghiệm cận lâm sàng tiền phẫu: Máu, nước tiểu, ECG, XQ phổi…, theo quy định.
- Da vùng phẫu thuật không được nhiễm trùng hay kích ứng: Nếu có phải được điều trị ổn trước khi phẫu thuật.
- Báo cho phẫu thuật viên biết những thuốc bạn đang dùng để biết thuốc nào bạn có thể dùng tiếp và thuốc nào phải ngưng trước khi phẫu thuật. Các thuốc: aspirin, chống kết tập tiểu cầu hay các thuốc kháng đông khác bệnh nhân phải ngưng sử dụng 7-10 ngày trước mổ.
- Nếu bạn thừa cân quá mức, bác sĩ phẫu thuật có thể yêu cầu bạn giảm cân trước khi mổ để giảm tải trên khớp mới thay, giảm nguy cơ phẫu thuật.
- Đánh giá tình trạng răng: Vi khuẩn có thể vào máu trong quá trình nhổ răng, điều trị nha chu, gây nhiễm trùng sau thay khớp nhân tạo (mặc dù rất hiếm), nên hoàn tất việc nhổ răng, điều trị nha chu trước khi phẫu thuật thay khớp. Việc làm sạch răng thường quy nên hoãn lại sau mổ vài tuần.
- Những bệnh nhân có tiền sử thường xuyên nhiễm trùng tiểu hay gần đây có nhiễm trùng tiểu, nên khám tiết niệu trước khi phẫu thuật. Đối với người bệnh nam lớn tuổi có bệnh tiền liệt tuyến, cũng nên điều trị trước khi phẫu thuật.
- Bệnh nhân cần chuẩn bị tâm lý, phẫu thuật viên cần giải thích cho người bệnh:
- Phương pháp vô cảm.
- Thời gian tiến hành phẫu thuật.
- Dụng cụ khớp nào được sử dụng.
- Điều trị đau sau mổ như thế nào.
- Thời gian nằm viện bao lâu.
- Thời gian hồi phục để BN đứng, đi lại được.
- Chiều dài 2 chân, chân bên tổn thương có ngắn hơn bên lành, ngắn hơn bao nhiêu để có kế hoạch điều chỉnh chiều dài chi trong khi mổ.
- Cần làm gì trong thời gian phục hồi sau mổ?
- Sự thành công của phẫu thuật phụ thuộc phần lớn vào sự tuân thủ của bạn đối với những hướng dẫn của phẫu thuật viên về việc chăm sóc tại nhà trong vài tuần đầu sau mổ.
- Xử trí đau: Thuốc giảm đau thường được dùng trong thời gian ngắn sau mổ. Nhiều loại thuốc có thể được dùng như: Nhóm Opioids, non-steroid, acetaminophen, và tê tại chỗ. Opioids giảm đau tốt nhưng là thuốc gây nghiện, nên ngưng ngay khi đau đã giảm. Báo bác sĩ ngay nếu đau không giảm trong vài ngày sau mổ.
- Chăm sóc vết mổ: Tránh làm ướt vết mổ cho đến khi lành hoàn toàn. Có thể tiếp tục băng vết mổ tránh kích ứng từ quần áo. Cắt chỉ 2 tuần sau mổ.
- Chế độ ăn: Sau mổ thường ăn không ngon trong vài tuần. Chế độ ăn cân bằng các chất, bổ sung thêm sắt, là chất quan trong thúc đẩy quá trình liền mô và phục hồi sức mạnh của cơ. Đảm bảo uống nhiều nước.
- Các hoạt động: Tập thể dục là yếu tố quan trọng trong quá trình chăm sóc tại nhà, đặc biệt trong vài tuần đầu sau mổ. Bạn có thể trở lại hầu hết các hoạt động nhẹ bình thường trong cuộc sống hàng ngày trong 3-6 tuần sau mổ. Chương trình hoạt động bao gồm:
- Đi bộ và tăng từ từ vận động, ban đầu ở trong nhà và sau đó ra ngoài.
- Trở lại các hoạt động bình thường khác như: ngồi, đứng, leo cầu thang.
- Tập các bài tập chuyên biệt nhiều lần trong ngày để phục hồi vận động và sức mạnh của khớp háng. Bạn có thể thực hiện các bài tập mà không cần sự giúp đỡ nhưng bạn nên có chuyên viên vật lý trị liệu giúp bạn tại nhà hoặc tại trung tâm trị liệu trong vài tuần đầu sau mổ.
13.Chi phí thay khớp háng là bao nhiêu?
- Chi phí phẫu thuật sẽ bao gồm: Viện phí (gồm tiền phẫu thuật, xét nghiệm cận lâm sàng, thuốc và tiền phòng nội trú), và khớp nhân tạo.
- Khớp nhân tạo loại toàn phần hay bán phần, và tùy thuộc vào chất liệu gì sẽ có giá khác nhau. Tại Việt Nam hiện tại có nhiều loại khớp với chất liệu khác nhau, giá giao động từ 50-150 triệu.
- Tuy nhiên không phải giá cao là tốt, giá thấp là không tốt, mà tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh nhân mà phẫu thuật viên sẽ tư vấn chọn loại khớp thích hợp nhất, cho kết quả tốt nhất.
----------------------------------
Tài liệu tham khảo
- Total hip replacement, AAOS (American Academy of Orthopaedic Surgeons).
- Hip replacement, Mayo Clinic.
Thay khớp háng không xi măng, TS BS Lê Văn Tuấn, Trưởng khoa CTCH BVCR.