Bài viết được chia sẻ bởi ThS.BS Phùng Thị Kim Dung - Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm Trưởng khoa Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Phương Chi. Bác đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội, Nhi - Nhi sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang, Bệnh viện Phụ Sản Nhi Bình Dương. Bác sĩ Dung cùng đồng nghiệp đã cứu sống nhiều trẻ sinh non, nhiều ca bệnh nặng được bệnh nhân và thân nhân tin tưởng, yêu quý.
Bé gái Nguyễn Tú A, 2 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao 39,50 C, bú ọc, quấy khóc, vẻ mệt mỏi đã 3 ngày nay. Qua xét nghiệm máu và nước tiểu bác sỹ chẩn đoán cháu bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Công việc tiếp theo là vi khuẩn đã nhiễm vô máu chưa và có gây viêm màng não của bé không? Bác sỹ chỉ định chọc dò dịch não tủy để xác định có ảnh hưởng đến màng não không. Thương con gái bé bỏng người mẹ khóc thút thít và kể: “Từ ngày sinh bé ra em chưa lần nào vệ sinh kỹ bộ phận sinh dục tiết niệu cho bé vì sợ nó đau”. Hôm nay được bác sỹ giải thích đó có thể là nguyên nhân làm cho bé sốt, cả nhà bình tĩnh nghe bác sỹ giải thích.
1. Nhiễm trùng tiểu là gì?
Nhiễm trùng tiểu là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đứng hàng thứ ba sau bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu hóa. Ước tính có khoảng 1% số trẻ trai và 3% số trẻ gái dưới 11 tuổi bị ít nhất một đợt nhiễm trùng tiểu. Tỷ lệ mắc nhiễm trùng tiểu thay đổi tùy theo lứa tuổi, giới và chủng tộc, với khoảng 8,4% trẻ gái và 1,7% trẻ trai có ít nhất một đợt nhiễm trùng tiểu cho đến 7 tuổi. Nhiễm trùng tiểu có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, từ thể nhiễm khuẩn niệu không triệu chứng đến các trường hợp nặng có bệnh cảnh nhiễm trùng huyết. Chủng E. Coli gây nhiễm trùng tiểu là chủng gây bệnh ở hệ niệu, chủng này có độc lực cao và có các lông mao bám vào niêm mạc đường tiểu
2. Triệu chứng nhiễm trùng tiểu ở trẻ em.
Ngoài triệu chứng sốt các triệu chứng khác còn tùy thuộc vào tháng tuổi của trẻ. Trẻ trên 3 tháng: Đi tiểu lắt nhắt, nhiều lần hơn bình thường. Cảm giác mệt mỏi, biếng ăn. Trẻ dưới 3 tháng biểu hiện qua các dấu hiệu gián tiếp như sốt, bứt rứt, khó chịu, quấy khóc. Đối với trẻ càng nhỏ thì bệnh có thể biểu hiện nặng hơn do tình trạng nhiễm trùng huyết.
3. Điều trị nhiễm trùng tiểu ở trẻ như thế nào?
Đa số nhiễm trùng đường tiểu được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Kết thúc quá trình điều trị, bác sĩ sẽ cho làm lại các xét nghiệm nước tiểu để xác nhận nhiễm trùng đã hoàn toàn khỏi. Cha mẹ cần cho trẻ dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
4. Cách phòng ngừa nhiễm trùng tiểu ở trẻ.
Bà mẹ cố gắng cho con bú sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời, giúp cho sự phát triển của hệ miễn dịch và giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu. Ở trẻ sơ sinh và trẻ chập chững biết đi, thay tã thường xuyên để ngăn vi khuẩn phát triển. Nếu phát hiện trẻ có bất cứ điều gì bất thường như sốt, tiểu nhiều, tiểu khó, quấy khóc nên gặp ngay Bác sĩ nhi khoa có thể xem xét các nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu như hẹp bao quy đầu ở trẻ em trai hoặc dính môi bé ở trẻ em gái.
Em bé trong câu chuyện kể trên sau 10 ngày điều trị đã được xuất viện trong niềm hân hoan của cả gia đình. Gặp lại em bé trong lần tái khám đầu tiên, các xét nghiệm đã trở về bình thường, người mẹ trẻ không quên cám ơn các bác sỹ đã tiếp thêm kinh nghiệm cho chị trong chăm sóc và phòng ngừa nhiễm khuẩn tiết niệu cho trẻ em.