Nhiễm trùng do răng không chỉ gây đau nhức, sưng tấy mà còn có thể lan rộng, ảnh hưởng đến xương hàm, xoang và thậm chí là não. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời là cách bảo vệ sức khỏe răng miệng và toàn thân.
1. Nhiễm trùng do răng là gì?
Khi một chiếc răng bị mất chất khoáng, quá trình sâu răng bắt đầu. Tổn thương tiến triển từ lớp men đến ngà răng, rồi lan đến tủy. Nếu không được điều trị kịp thời, vi khuẩn sẽ tiếp tục xâm nhập vào mô liên kết, phá hủy xương hàm và gây nên nhiễm trùng.
2. Tác nhân gây nhiễm trùng răng
Vi khuẩn gây nhiễm trùng răng vốn là thành phần bình thường trong mảng bám và khe nướu. Các loại vi khuẩn thường gặp gồm:
- Cầu khuẩn Gram (+) hiếu khí và yếm khí
- Trực khuẩn Gram (-) kỵ khí
- Tỷ lệ chiếm ưu thế của các chủng vi khuẩn:
- Peptostreptococcus: 20%
- Bacteroides: 30%
- Prevotella: 30%
- Porphyromonas: 5%
Ở giai đoạn đầu, nhiễm trùng thường do vi khuẩn hiếu khí gây ra. Khi bệnh chuyển mạn tính, vi khuẩn kỵ khí chiếm ưu thế và hình thành các ổ áp xe.
3. Diễn tiến tự nhiên của nhiễm trùng răng
Tại hàm trên:
- Áp xe vùng má: Do chân răng cối lớn nằm gần vách xương ngoài và vượt qua cơ mút.
- Áp xe đáy hành lang miệng: Khi chân răng nằm dưới vị trí bám cơ.
- Áp xe ngoài chân răng: Khi chân răng trên vị trí bám cơ.
- Áp xe vùng khẩu cái: Khi chân răng trong gần vách xương trong.
- Nhiễm trùng xoang hàm: Thường do răng số 6, 7 hàm trên gây ra. Việc nhổ răng ở vị trí này nếu không cẩn trọng có thể gây thông xoang, thậm chí làm lọt chân răng vào xoang hàm – một biến chứng nghiêm trọng.
Con đường lây lan:
- Xâm lấn mô và khoang lân cận (thường gặp)
- Theo mô bạch huyết
- Theo đường máu
Tại hàm dưới:
- Áp xe xương ổ răng: Do mủ lan trong xương xốp.
- Áp xe dưới lưỡi / dưới hàm: Khi chân răng gần cơ hàm móng, vị trí lan sẽ phụ thuộc việc răng nằm trên hay dưới cơ này.
- Áp xe vùng má: Do nhiễm trùng lan qua khối cơ mặt.
- Áp xe đáy hành lang: Gặp ở các răng cửa, răng nanh, răng tiền cối.
- Lỗ dò ra ngoài má: Nếu ổ áp xe không được điều trị, mủ sẽ tự vỡ, tạo thành đường dò kéo dài gây nhiễm trùng mạn tính và mất thẩm mỹ.
4. Biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị
Nhiễm trùng răng không chỉ dừng lại ở vùng miệng. Vi khuẩn có thể lan sâu xuống:
- Khoang bên hầu, sau hầu, khoang trước khí quản
- Động mạch cảnh, trung thất
- Thậm chí lan đến não, đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
5. Phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng do răng
Khám răng định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm sâu răng và các bất thường.
Điều trị triệt để răng sâu, viêm tủy để tránh biến chứng nhiễm trùng.
Với các răng khó nhổ như răng hàm trên số 6, 7 – nên điều trị tại bệnh viện chuyên khoa có trang thiết bị hiện đại, tránh biến chứng nguy hiểm.
6. Khi nào cần đến bác sĩ?
Hãy đến gặp bác sĩ răng hàm mặt ngay khi có các dấu hiệu:
- Đau nhức răng kéo dài
- Răng lung lay, ê buốt
- Nướu sưng, chảy mủ
- Xuất hiện đường dò hoặc vết sưng ở má, dưới cằm
Bệnh viện Đa khoa Phương Chi luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng. Đừng chờ đến khi quá muộn – chủ động điều trị sớm để bảo vệ nụ cười và sức khỏe toàn thân!
Mọi thông tin chi tiết liên hệ hotline: 0274.381.55.81