Cao huyết áp là bệnh lý tim mạch nguy hiểm được xem như “kẻ giết người thầm lặng”, vì toàn bộ sự tiến triển của bệnh thường diễn ra trong âm thầm và không có triệu chứng. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 12 triệu người mắc phải, nghĩa là trung bình cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh.
Cao huyết áp không phụ thuộc vào đặc điểm tính cách, dù bạn có thể là một người bình tĩnh và luôn cảm thấy thoải mái thì vẫn có thể bị cao huyết áp.
1. HUYẾT ÁP LÀ GÌ, THẾ NÀO LÀ CAO HUYẾT ÁP?
Huyết áp được đo bằng hai chỉ số là huyết áp tâm thu (áp lực đẩy máu vào động mạch, tim co bóp) và huyết áp tâm trương (huyết áp khi cơ tim giản nghỉ). Ví dụ 120/80 mmHg (mmHg là milimet thủy ngân, đây là đơn vị dùng để đo huyết áp).
Ở người bình thường, huyết áp tâm thu thường nhỏ hơn 120 và tâm trương nhỏ hơn 80.
Bệnh nhân bị cao huyết áp khi: chỉ số huyết áp tâm thu ≥ 135 mmHg và tâm trương ≥ 85 mmHg.
2. LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT MÌNH BỊ CAO HUYẾT ÁP?
Theo nhiều nghiên cứu y học cho thấy, những người có nguy cơ bị cao huyết áp bao gồm:
- Người cao tuổi.
- Người mắc bệnh thận.
- Bệnh tuyến giáp.
- Người béo phì.
- Thừa cân.
- Người có những lối sống không lành mạnh (hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng thực phẩm nhiều Cholesterol, lười vận động…).
- Một số nghiên cứu khác chỉ ra nguyên nhân cao huyết áp có thể do di truyền, do dân tộc hoặc sử dụng một số loại thuốc có thể làm tăng huyết áp.
Vì cao huyết áp thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng trong thời gian đầu, thường tiến triển trong nhiều năm. Nhưng cao huyết áp có thể gây tổn hại vĩnh viễn đến tim, não, mắt và thận trước khi bạn cảm thấy bất cứ điều gì như:
- Đột quỵ não.
- Suy tim.
- Suy thận.
- Nhồi máu cơ tim.
Vậy nên cách duy nhất để biết là đo huyết áp. Tuy nhiên, số đo cao không nhất thiết có nghĩa là bạn bị cao huyết áp (bạn cần tham vấn Bác sĩ nếu đo huyết áp bản thân thấy cao).
3. PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ
Điều trị không dùng thuốc:
- Ở những người thừa cân: giảm 4,5 kg sẽ làm giảm huyết áp hoặc ngăn ngừa tình trạng huyết áp cao.
- Tăng cường ăn trái cây, rau quả, sản phẩm bơ sữa ít chất béo, giảm cholesterol và mỡ (nhất là mỡ bão hòa) giàu kali và canxi.
- Hoạt động thể lực: Đi bộ nhanh ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Không hút thuốc lá, cai rượu, bia.
Điều trị bằng thuốc:
Hiện tại, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc hạ huyết áp. Nhưng bạn nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn từ Bác sĩ và hỗ trợ kế hoạch điều trị, nhằm nâng cao chất lượng sống cho bản thân mình và hạn chế tai biến cũng như biến chứng do dùng thuốc không theo y lệnh của Bác sĩ.
4. CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP
Luôn luôn giữ chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, không nên ăn quá mặn. Nếu trong gia đình có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị bệnh thì phải tuân thủ các chế độ trên chặt chẽ hơn, cần phải khám sức khỏe định kỳ hàng năm.
Điều chỉnh không để lượng cholesterol cao quá mức cần thiết trong máu. Nên thay thế mỡ động vật bằng dầu ăn thực vật chế từ đậu nành, lạc, vừng.
Tăng cường thức ăn có nhiều vitamin C, E, PP (bưởi, hoa hoè, giá đỗ).
Không nên uống rượu bia, cà phê và đặc biệt là không hút thuốc lá.
Tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
Chế độ tập luyện thể dục, thể thao: nên tập thường xuyên ít nhất 3 lần mỗi tuần, mỗi lần kéo dài ít nhất 30 phút. Thể dục thể thao thường xuyên làm tăng Lipoprotein HDL là loại protein tốt có tác dụng phòng chống xơ vữa động mạch.
Chế độ sinh hoạt và làm việc: bảo đảm ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái, tránh stress, căng thẳng thần kinh. Các hoạt động thể lực có thể giúp bạn điều đó.
Đối với những người đã mắc bệnh cần điều trị liên tục ngay cả khi cảm thấy khỏe, kiểm tra huyết áp định kỳ (có thể sử dụng máy đo huyết áp tại nhà) với sự theo dõi sát sao của thầy thuốc.
--------------------------------------------------
BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHUONG CHI (PCGH)
• ĐC: đường Dx 76, P. Định Hoà, Thủ Dầu Một, Bình Dương
• Điện thoại: (0274).381.55.81
• Website: bvphuongchi.com