Bài viết được chia sẻ bởi BS.CKI. Nguyễn Trọng Trường – bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình với hơn 16 năm kinh nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Phương Chi.
Thoái hóa khớp gối là một trong những bệnh lý cơ xương khớp phổ biến nhất ở người trung niên và cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh. Tuy diễn tiến chậm, nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động và chất lượng cuộc sống hằng ngày.
1. Thoái hóa khớp gối là gì?
Khớp gối của chúng ta được bao phủ bởi lớp sụn giúp các đầu xương trượt lên nhau nhẹ nhàng khi vận động. Khi lớp sụn này bị bào mòn theo thời gian, hai đầu xương cọ sát vào nhau gây đau, sưng và cứng khớp – đó chính là thoái hóa khớp gối.
Theo thống kê, 80% người bị thoái hóa khớp gối là nữ giới trên 50 tuổi, nhưng bệnh cũng có thể gặp ở người trẻ nếu từng chấn thương đầu gối hoặc có bất thường về trục chi (gối vẹo vào trong hoặc ra ngoài).
2. Những dấu hiệu cảnh báo bạn cần đi khám sớm:
- Đau âm ỉ hoặc nhói ở vùng gối, nhất là khi đi bộ, lên xuống cầu thang hoặc đứng lâu.
- Cứng khớp buổi sáng, thường dưới 30 phút.
- Có tiếng lục khục khi gập duỗi gối.
- Khớp có thể sưng, tràn dịch nhẹ
- Khớp bị biến dạng, vẹo trục chi (vẹo trong hoặc ngoài).
Nếu bạn đang gặp một hoặc nhiều dấu hiệu trên, đừng xem nhẹ. Hãy đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác.
3. Vì sao lại bị thoái hóa khớp gối?
Thoái hóa khớp là kết quả của nhiều yếu tố phối hợp:
- Tuổi tác: Sụn khớp lão hóa tự nhiên theo thời gian.
- Thừa cân – béo phì: Tăng áp lực lên khớp gối mỗi ngày.
- Di chứng chấn thương, nhất là các chấn thương thể thao, tai nạn làm lệch trục chi (gối vẹo trong, vẹo ngoài).
- Rối loạn nội tiết và di truyền: Gặp ở người mãn kinh, tiểu đường, gout, thấp khớp …
4. Chẩn đoán thoái hóa khớp gối như thế nào?
Bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện thăm khám lâm sàng kết hợp các chỉ định các cận lâm sàng về hình ảnh:
- X-quang khớp gối: phát hiện gai xương, hẹp khe khớp.
- Siêu âm hoặc MRI: Đánh giá sụn, dây chằng, tràn dịch khớp.
- Nội soi khớp: Quan sát trực tiếp tổn thương – thường chỉ định trong những trường hợp đặc biệt.
5. Điều trị thoái hóa khớp gối: Không để đến khi quá muộn!
5.1 Giai đoạn nhẹ – trung bình: Điều trị bảo tồn – KHÔNG CẦN PHẪU THUẬT
Thuốc uống:
- Giảm đau: Paracetamol, Tramadol khi đau nhiều.
- Chống viêm: Meloxicam, Celecoxib, Etoricoxib.
- Bổ sung sụn khớp: Glucosamine, Piascledine, Diacerein.
Vật lý trị liệu – phục hồi chức năng
- Hồng ngoại, siêu âm điều trị, chườm nóng.
- Tập phục hồi cơ đùi, cải thiện vận động.
Tiêm nội khớp (áp dụng tùy trường hợp)
- Acid Hyaluronic: Giúp bôi trơn khớp, giảm đau.
- PRP (Huyết tương giàu tiểu cầu): chiết xuất từ máu tự thân, kích thích tái tạo sụn.
- Tế bào gốc: phương pháp mới, có thể hiệu quả ở người trẻ và giai đoạn đầu.
5.2 Giai đoạn nặng: Cần can thiệp bằng phẫu thuật
- Nội soi khớp: Làm sạch, cắt lọc gai xương, xử lý sụn bị tổn thương.
- Thay khớp gối nhân tạo:
- Khi đau nhiều, đi lại khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống.
- Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể phục hồi vận động đáng kể nếu được hướng dẫn tập luyện đúng cách.
6. Lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa:
- Không nên tự ý uống thuốc kéo dài – hãy đến khám để bác sĩ điều chỉnh đúng thuốc, đúng liều
- Tập luyện đúng cách, không mang vác nặng, tránh gập gối quá mức
- Giữ cân nặng hợp lý, ăn uống lành mạnh
- Khám định kỳ để theo dõi tiến triển và điều trị kịp thời
Thoái hóa khớp gối không chỉ là “bệnh tuổi già” – mà còn là hồi chuông cảnh báo về lối sống, vận động và sức khỏe xương khớp của bạn!
Hãy quan tâm đến khớp gối ngay từ hôm nay để bước đi vững vàng mỗi ngày!
Khoa Ngoại – PT.GMHS, Bệnh viện Đa khoa Phương Chi
Hotline: 0274.381.55.81
Hãy chia sẻ bài viết này để bảo vệ khớp gối cho chính bạn và người thân yêu!