Viêm gan bí ẩn ở trẻ: Cha mẹ có thể làm gì để bảo vệ con

Dx 76, Phường Định Hoà, Thủ Dầu Một, Bình Dương

Giờ làm việc: 7h30 – 17h00

Tiếng Việt English
BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG CHI (PCGH)
Tin tức & sự kiện
Viêm gan bí ẩn ở trẻ: Cha mẹ có thể làm gì để bảo vệ con

Bệnh viêm gan bí ẩn được ghi nhận lần đầu ở Anh và Scotland vào đầu tháng 4, với khoảng 70 trẻ từ một tháng đến 16 tuổi, trong đó phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi. Hiện nay, viêm gan bí ẩn đã xuất hiện ở ít nhất 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung ở các nước châu âu và bắt đầu xuất hiện ở châu Mỹ, Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cho đến ngày 06/05/2022, toàn thế giới ghi nhận ít nhất 300 trường hợp trẻ em mắc bệnh. Trong đó, có 9 ca tử vong (1 ca tại Mỹ và 3 ca tại Indonesia), 18 ca cần ghép gan. Theo đó, Anh tạm thời là quốc gia dẫn đầu với 145 ca, tiếp theo là Mỹ với 27 ca, Tây Ban Nha 22 ca, Israel 12 ca, Đức 9 ca, Đan Mạch 6 ca, Hà Lan 4 ca, Nhật Bản 3 ca…

 

viêm gan bí ẩn ở trẻ

1. Nguyên nhân gây ra viêm gan bí ẩn trẻ em?

Mặc dù vẫn còn cần nghiên cứu thêm nhưng virus Adenovirus được xem là “kẻ tình nghi” lớn nhất gây ra bệnh viêm gan bí ẩn. Phần lớn trẻ mắc bệnh đều có kết quả xét nghiệm dương tính với virus này, mà không có dấu vết của bất kỳ một loại virus gây viêm gan A, B, C, E nào khác.

 

Adenovirus là virus chứa DNA chuỗi kép, gồm nhiều type virus khác nhau, có khả năng lây nhiễm cho các cơ quan khác nhau. Tùy theo type virus, có thể gây ra nhiều căn bệnh thường gặp như cảm lạnh, đau mắt đỏ, đau dạ dày, viêm ruột…

 

Trong đó, adenovirus type 41 là virus gây viêm dạ dày ruột ở trẻ em, với các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa và sốt, thường kèm theo các triệu chứng hô hấp. Trước đây đã có trường hợp adenovirus gây suy gan nặng ở trẻ em, người bệnh phải ghép gan hoặc thậm chí là tử vong, nhưng rất hiếm khi xảy ra. Ngoài ra, những trẻ mắc bệnh về gan do adenovirus thường có hệ miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng. Do đó, việc gia tăng đột ngột về số lượng ca bệnh, xuất hiện bệnh ở trẻ khỏe mạnh trong thời gian gần đây có thể là do adenovirus type 41 xuất hiện đột biến.

2. Biểu hiện của viêm gan bí ẩn?

Nhìn chung, biểu hiện lâm sàng của viêm gan bí ẩn giống với bệnh viêm gan virus cấp tính do virus viêm gan A, B, C, D và E. Buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy và đau bụng là những triệu chứng điển hình ở các ca bệnh đã được ghi nhận. Sau đó, khi bệnh phát triển, sẽ xuất hiện các dấu hiệu viêm gan cấp độ nặng với nồng độ men gan tăng cao, vàng da và vàng mắt. Bên cạnh đó, bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ nhỏ có thể làm phát sinh các triệu chứng như mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu, co giật, mất ý thức, đau bụng, chán ăn, đau khớp…

3. Phụ huynh cần làm gì?

Adenovirus có thể lây lan từ người sang người qua giọt bắn đường thở, tiếp xúc gần, tiếp xúc với bề mặt đồ vật dính giọt bắn của người mắc bệnh. Do đó, phụ huynh nên:

  • Đeo khẩu trang
  • Rửa tay thường xuyên vì virus có khả năng bám lâu dài trên bề mặt đồ vật kể cả khi đã dùng chất khử trùng
  • Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh
  • Che miệng / rửa tay / vứt giấy sau khi ho, hắt hơi
  • Tránh tiếp xúc với phân, vệ sinh cẩn thận sau khi thay tã cho trẻ
  • Tránh chạm vào mắt, mũi hoặc miệng bằng tay chưa rửa
  • Thực hiện ăn chín, uống sôi.

4. Khi nào cần đưa trẻ đi khám

Các trẻ có biểu hiện buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, đau bụng đều cần được đi khám để bác sĩ tìm ra các nguyên nhân gây bệnh và bù nước cho trẻ nếu cần. Các bác sĩ sẽ đặc biệt lưu ý đến các trường hợp vàng da, vàng mắt, men gan tăng cao để nghĩ đến viêm gan và tìm cách điều trị bảo vệ gan cho trẻ!

Hỏi Đáp Tìm bác sĩ Lịch khám chuyên khoa