1. Đau quặn thận là gì?
Là cơn đau quặn bụng xuất hiện đột ngột, xuất phát từ hông lưng (điển hình là từ góc sống sườn) lan ra phía trước bụng xuống bụng dưới, và lan xuống vùng háng hay bìu. Đa phần do sỏi làm tắc nghẽn đường tiểu, ngoài ra còn có thể do nhiễm trùng, co thắt đường tiết niệu gây ra.
Sỏi có thể nằm ở bất cứ vị trí nào trong đường tiết niệu như thận, bàng quang hay niệu quản. Thông thường sỏi hình thành từ thận rơi xuống niệu quản và mắc kẹt ở những nơi hẹp, làm tắc nghẽn sự lưu thông nước tiểu xuống bàng quang gây nên cơn đau.
Mức độ đau liên quan đến vị trí sỏi, mức độ tắc nghẽn, không tương quan với kích thước sỏi. Mặc dù kích thước sỏi có giá trị tiên lượng khả năng tự bài xuất theo nước tiểu ra ngoài.
Đau thường kèm triệu chứng buồn nôn và nôn ói.
Ước tính có khoảng 5-15% dân số trong đời từng bị đau quặn thận.
2. Nguyên nhân gây đau quặn thận là gì?
Sỏi kẹt niệu quản là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau quặn thận. Sỏi kẹt làm tắc nghẽn dòng nước tiểu gây viêm và tăng áp lực lên thận.
Co thắt bàng quang, niệu quản cũng có thể gây đau quặn thận. Co thắt bàng quang niệu quản có thể do sỏi hoặc không do sỏi.
Sỏi có thể hình thành trong đường tiết niệu do nhiều lý do sau đây:
- Thiếu nước (uống ít nước, làm việc ở nơi nắng nóng ra mồ hôi nhiều nhưng không uống đủ nước…)
- Dư calci trong nước tiểu.
- Chế độ ăn nhiều đạm.
- Một số bệnh đường tiêu hóa như viêm loét ruột, bệnh Crohn.
- Bệnh cường tuyến cận giáp…
3. Các triệu chứng thường kèm với đau quặn thận
- Tiểu gắt buốt.
- Nước tiểu có máu.
- Nước tiểu đục.
- Đi tiểu lắt nhắt.
- Tiểu gấp.
- Tiểu ít hay bí tiểu.
- Sốt.
- Lạnh run…
4. Làm gì để chẩn đoán khi đau quặn thận?
- Siêu âm bụng.
- Xquang bụng (KUB).
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) bụng có hay không có cản quang (đa phần không cần tiêm thuốc cản quang).
Với 3 phương tiện này bác sĩ sẽ xác định được có sỏi hay không, vị trí sỏi ở đâu, kích thước sỏi bao lớn, và quan trọng hơn nữa là xác định thận có ứ nước hay chưa, ứ nước mức độ nào.
5. Điều trị đau quặn thận như thế nào?
Tùy theo nguyên nhân sẽ có cách điều trị khác nhau, nguyên nhân phổ biến nhất là do sỏi đường tiết niệu.
Tùy kích thước sỏi lớn hay nhỏ có thể tiên lượng khả năng tự ra theo đường tự nhiên hay không. Thông thường sỏi niệu quản ≤ 5mm có thể ra tự nhiên. Trên 5mm khả năng ra tự nhiên rất thấp. Do vậy cần khám bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp.
Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nói chung và ngành y nói riêng, đã có nhiều phương tiện và phương pháp tán sỏi hiện đại, có thể giải quyết bệnh lý sỏi đường tiết niệu một cách nhẹ nhàng, hiệu quả và ít xâm lấn.
Bởi vậy khi có triệu chứng đau quặn thận hay tình cờ phát hiện có sỏi đường tiết niệu, nên đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chọn phương pháp điều trị thích hợp.
Bệnh viện đa khoa Phương Chi với đội ngũ bác sĩ dày dạn kinh nghiệm, tận tâm, được trang bị đầy đủ phương tiện hiện đại, có thể điều trị hiệu quả các trường hợp sỏi niệu. Người bệnh có thể an tâm chọn lựa.
Tài liệu tham khảo
- Acute renal colic, NIH, August 2023.
- Renal colic, Cleveland clinic, July 2022.