Thoát vị bẹn là bệnh lý rất thường gặp đặc biệt ở nam giới. Phẫu thuật là phương pháp điều trị tốt nhất. Ở Bệnh viện đa khoa Phương Chi có thể thực hiện nhiều kỹ thuật điều trị bệnh lý này (mổ hở, nội soi). Khi thấy có khối phồng bất thường vùng bẹn, bìu thì nên đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để biến chứng
1. Thoát vị bẹn là gì?
- Thoát vị bẹn là tình trạng thành bụng vùng bẹn bị khiếm khuyết (có thể do bẩm sinh (sự tồn tại của ống phúc tinh mạc) hay mắc phải (sự suy yếu của các lớp cân cơ vùng bẹn) gây ra, từ đó các tạng trong bụng chui qua lỗ này gây ra khối thoát vị.
- Là một trong những bệnh lý lâu đời nhất được ghi nhận.
- Tỉ lệ mắc phải thoát vị bẹn – đùi khoảng 27-43% ở nam và 3-6% ở nữ
- Hàng năm, trên thế giới có khoảng 20 triệu trường hợp phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn. Ở Mỹ khoảng 500.000 trường hợp.
- Phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn là phẫu thuật phổ biến nhất trong tất cả các loại thoát vị
2. Nguy cơ
- Nam giới (tăng nguy cơ 8-10 lần)
- Tuổi (cao nhất 0-5 tuổi và 75-80 tuổi)
- Di truyền (có người thân bị thoát vị bẹn)
- Suy giảm chuyển hóa collagen
- Tiền căn mổ cắt bướu tiền liệt tuyến, đặc biệt mổ hở
- Yếu tố khác: ho mạn tính, táo bón mạn tính, hút thuốc lá…
3. Phân loại
Có nhiều cách phân loại thoát vị bẹn, theo vị trí giải phẫu thì có chia làm 2 loại:
- Thoát vị bẹn gián tiếp: do sự tồn tại của ống phúc tinh mạc, đi theo thừng tinh xuống bìu. Loại này nằm ngoài động mạch thượng vị dưới.
- Thoát vị bẹn trực tiếp: do sự yếu, dãn ra của cân cơ vùng bẹn, thường nằm trong tam giác Hesselbach. Loại này nằm phía trong động mạch thượng vị dưới
- Bệnh nhân có thể bị 1 hoặc cả 2 loại thoát vị trên.
4. Triệu chứng
- Bệnh nhân có khối phồng vùng bẹn, có thể chui xuống bìu
- Khối phồng xuất hiện khi ho, rặn mạnh, làm việc nặng hoặc có thể luôn luôn có khi bệnh nhân bị lâu ngày
Biến chứng:
Thoát vị bẹn nghẹt: khi tạng thoát vị (ruột, mạc nối…) chui vào lỗ thoát vị, tạo vòng thắt gây thiếu máu nuôi, tắc lưu thông tạng thoát vị. Để lâu có thể gây hoại tử tạng thoát vị, gây biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong (quá 6-12h). Thường bệnh nhân đau nhiều khối thoát vị, có triệu chứng của tắc ruột…
Thoát vị bẹn kẹt: khi tạng thoát vị chui qua lỗ thoát vị, không thể tự về vị trí cũ được nhưng vẫn không gây thiếu máu, tắc tạng thoát vị… Thường đau không nhiều, không có triệu chứng tắc ruột
5. Chẩn đoán
Thông thường, khám lâm sàng cũng đủ để chẩn đoán thoát vị bẹn
- Siêu âm: giúp chẩn đoán chính xác, phân biệt với những bệnh lý vùng bẹn bìu khác: hạch vùng bẹn, nang tinh hoàn, viêm tinh hoàn….
- CT –scan: giúp phân biệt thoát vị bẹn với thoát vị đùi khi lâm sàng khó khăn trong chẩn đoán.
6. Cách điều trị thoát vị bẹn
Khi chưa có triệu chứng: vô tình phát hiện trên siêu âm => có thể theo dõi, điều chỉnh chế độ sinh hoạt.
Khi có triệu chứng, thì phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật. Hiện có khá nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn. Tuy nhiên có 2 phương pháp thường dùng: mổ hở và nội soi:
Mổ hở: Phẫu thuật Lichtenstein là tiêu chuẩn vàng trong phẫu thuật mổ hở điều trị thoát vị bẹn
Ưu điểm: Tỉ lệ tái phát thấp, không gây căng, co kéo các mô tự nhiên của cơ thể
Mổ nội soi: có nhiều phương pháp mổ nội soi điều trị thoát vị bẹn:
- TEP (totally extraperitoneal): đặt tấm lưới hoàn toàn ngoài phúc mạc
- TAPP (Transadominal preperitoneal patch): đặt tấm lưới trước phúc mạc qua ngã bụng
- IPOM (Intraperitoneal onlay mesh repair)
Ưu điểm: vết mổ nhỏ, thời gian hồi phục sau mổ nhanh, tỉ lệ tái phát thấp, ít đau sau mổ…
-----------
Tài liệu tham khảo:
Rosenberg J, Bisgaard T. Danish Hernia Database recommendations for the management of inguinal and femoral hernia in adults. Dan Med Bull. 2011 Feb;58(2):C4243.
Hurst RD, Butler BN, Soybel DI, Wright HK. Management of groin hernias in patients with ascites. Ann Surg. 1992 Dec;216(6):696-700.
Kingsnorth A, LeBlanc K. Hernias: inguinal and incisional. Lancet. 2003;362(9395):1561.
HerniaSurge Group. International guidelines for groin hernia management. Hernia. 2018;22(1):1. Epub 2018 Jan 12.