1. Tổng quan
Thoát vị bẹn là tình trạng thành bụng vùng bẹn bị khiếm khuyết (có thể do bẩm sinh (sự tồn tại của ống phúc tinh mạc) hay mắc phải (sự suy yếu của các lớp cân cơ vùng bẹn) gây ra, từ đó các tạng trong bụng chui qua lỗ này gây ra khối thoát vị.
Phương pháp điều trị triệt để duy nhất là phẫu thuật
Hiện có rất nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn. Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi ngày càng phổ biến vì ưu điểm của nó: giảm đau sau mổ, sẹo mổ nhỏ, nhanh chóng trở lại các hoạt động bình thường…
2. Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn
Với kiến thức giải phẫu ngày càng được hiểu rõ vùng bẹn đùi, việc điều trị vùng này ngày càng được tối ưu và nhiều phương pháp để lựa chọn.
Có nhiều phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn. Tuy nhiên kỹ thuật tiếp cận và đặt lưới trước phúc mạc được ưu tiên, điển hình là 2 kỹ thuật TEP (laparoscopic totally extraperitoneal inguinal hernia repair– phẫu thuật nội soi hoàn toàn ngoài phúc mạc điều trị thoát vị bẹn) và TAPP (Laparoscopic transabdominal preperitoneal inguinal hernia surgery – phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn qua đường ổ bụng). Cả 2 kỹ thuật này gần giống nhau, chỉ khác nhau ở đường tiếp cận của phương pháp TEP là hoàn toàn trước phúc mạc còn phương pháp TAPP là trong ổ bụng. Ngoài 2 phương pháp trên, còn phương pháp ít sử dụng hơn là IPOM (Laparoscopic intraperitoneal onlay mesh repair) với kỹ thuật đơn giản hơn.
Chống chỉ định với phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn – đùi:
- Không gây mê được
- Phẫu thuật vùng bẹn đùi liên quan khoang trước phúc mạc trước đó
- Thoát vị bẹn nghẹt
- Nhiễm trùng vùng bẹn đùi
- Báng bụng…
Tùy vào từng bệnh nhân cụ thể mà có đánh giá để cân nhắc lựa chọn phương pháp khác nhau
Ưu nhược điểm mỗi kỹ thuật:
- TEP: không vào ổ bụng, qua đó giảm thiểu nguy cơ tổn thương cơ quan trong ổ bụng, dính ruột sau mổ. Tuy nhiên không gian phẫu thuật nhỏ giới hạn hoàn toàn trước phúc mạc đòi hỏi phẫu thuật viên có kinh nghiệm.
- TAPP: Không gian phẫu thuật rộng hơn, thuận tiện hơn cho phẫu thuật viên. Có thể thực hiện ở những trường hợp thoát vị bẹn kẹt, lớn. Tuy nhiên do phải vào ổ bụng nên có nguy cơ tổn thương cơ quan trong ổ bụng, dính ruột…
- IPOM: Kỹ thuật dễ dàng thực hiện. Tuy nhiên phải dùng mảnh ghép nhân tạo chống dính có giá thành cao hơn nhiều so với mảnh ghép thông thường.
3. Kỹ thuật TEP (phẫu thuật nội soi hoàn toàn ngoài phúc mạc điều trị thoát vị bẹn – đùi)
- Tạo khoang trước phúc mạc
- Bóc tách rộng khoang + túi thoát vị
- Đặt lưới nhân tạo, cố định lưới
- Đóng vết mổ
4. Biến chứng
- Nhiễm trùng vết mổ hoặc mảnh ghép
- Chảy máu
- Tụ dịch sau mổ
- Đau mạn tính
- Tái phát sau mổ
- Bí tiểu…
Thoát vị bẹn là bệnh thường gặp, phương pháp điều trị triệt để là phẫu thuật.
Ngày nay, phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn ngày càng phổ biến với nhiều ưu điểm: ít đau sau mổ, vết mổ thẩm mỹ, thời gian trở lại sinh hoạt ngắn…
Bệnh viện Đa khoa Phương Chi có đầy đủ trang bị để thực hiện các phương pháp điều trị thoát vị bẹn.
Tài liệu tham khảo:
George A Sarosi , Kfir Ben-David.